(1) Chỗ ngồi ở quầy luôn mang cho mình nhiều cảm xúc với món ăn hơn ngồi tại bàn.
Một người khắt khe có thể nói rằng bạn cố gắng bao nhiêu không quan trọng bởi nói cho cùng thì kết quả là thứ duy nhất có giá trị, và trong nhiều trường hợp mình đồng tình với câu nói ấy. Thế nhưng riêng trong ẩm thực, việc quan sát các món ăn được tạo ra thường khiến mình thấy món ăn ngon hơn. Những đường viền cháy sém, đôi chỗ bột nở không đều nhau trên chiếc bánh pizza bỗng khiến mình thấy chúng giàu cảm xúc hơn là một phần đế bánh hoàn hảo, khi chính mắt mình nhìn thấy người nhân viên chăm chút phần dough như thế nào trước khi cho vào lò, thậm chí đã… làm hỏng mấy lần trước đó để ra được phần đế bánh đủ chất lượng nhất. Nhìn bàn tay người đầu bếp trân trọng mà dứt khoát cắt từng miếng cá tươi từ khúc cá ngừ đỏ màu ngọc bích, nhẹ nhàng nhấc một phần uni mềm tan từ khay gỗ đặt lên trên, cẩn thận nặn cơm sushi tới vừa đủ độ nén bỗng khiến mình cảm nhận hương vị của từng nguyên liệu rõ nét hơn khi được phục vụ. Chỗ ngồi ở quầy là một minh chứng sống của việc chúng ta luôn ăn bằng suy nghĩ, bằng cả trí não chứ không chỉ riêng trong khoang miệng. Khi được nhìn ngắm (hay nói một cách lý thuyết hơn là được “gợi nhớ về”) những nguyên liệu thô trong một món ăn hoàn chỉnh ngay trước khi ăn món ấy, bạn sẽ luôn cảm nhận được rõ hương vị đơn lẻ của mỗi nguyên liệu và cách chúng hoà quyện vào nhau trong món ăn hơn. Lần tới, bạn hãy thử mà xem.
(2) Một chỗ ngồi hoàn hảo nếu bạn thực sự muốn có một bữa ăn trọn-vẹn.
Không biết bạn thế nào, nhưng mình thực sự rất sợ các bữa ăn 2 người theo kiểu mặt-đối-mặt, kể cả là với người thân thiết. Mình quan sát được tâm lý này ở khác nhiều người, từ bạn bè tới khách hàng, vậy nên khi đọc những dòng tiếp theo bạn hãy thử suy nghĩ xem nó có đúng với chính bản thân bạn không nhé. Việc ngồi đối diện và nhìn thẳng vào mắt nhau tạo cho mình một áp lực ngầm về việc phải perform – phải nói một điều gì đấy hay ho, hoặc “trình diễn” một hình ảnh nào đó (cái này đặc biệt đúng khi bạn đang hẹn hò hoặc gặp một ai đó khiến bản thân cảm thấy hơi.. áp lực), hoặc phải đang luôn làm một việc gì đó. Thế nên mỗi khi không biết nói gì và cũng chưa muốn ăn thêm một miếng nữa, mình thường vô thức cầm điện thoại lên. “Văn hoá bận rộn” khiến chúng ta có áp lực phải bận rộn, và xem điện thoại là một trong những phản xạ để thoả mãn sự bận rộn ấy để điền vào chỗ trống của sự im lặng. Và một khi chúng ta đã cầm điện thoại lên thì cơ hội cuối cùng để có một bữa ăn trọn-vẹn, thú vị hay sâu sắc cũng chính thức tắt ngóm.
Chỗ ngồi ở quầy giải quyết vấn đề này cho bản thân mình một cách hoàn hảo. Việc ngồi cạnh nhau thay vì ngồi đối diện nhau khiến mình không còn áp lực bị “chiếu tướng” bởi người ăn cùng: khi muốn chúng mình có thể nhìn thẳng vào mắt nhau nói chuyện, khi không sẵn sàng thì mình vẫn có thể nhìn vào trong bếp mà vẫn hoàn toàn tập trung lắng nghe. Khi không có chuyện gì để nói, chúng mình vẫn có cả một “màn trình diễn” của những người đầu bếp trước mắt để cùng nhau thưởng thức sự im lặng mà không ngại ngùng. Tuyệt vời hơn, thường mình sẽ luôn tìm thấy một chủ đề mới để nói khi quan sát màn trình diễn ấy – hạn chế tối đa việc cầm điện thoại lên để trốn tránh ánh mắt nhau hay tìm thêm chuyện để chia sẻ. Và bạn biết sao không? Chất lượng những bữa ăn ở quầy của mình thực sự tuyệt vời hơn gấp nhiều lần những bữa ăn ở bàn, và đấy luôn là những bữa ăn mình nhớ mãi. Mình nói về điều này không chỉ ở tư cách một người khách hàng, mà cũng chính là một lời nhắc nhở bản thân khi xây dựng những thương hiệu có bếp mở: chỗ ngồi ở quầy cần đảm bảo cho thực khách có thể có một trải nghiệm ăn trọn vẹn, nhưng cũng có một khoảng cách đủ riêng tư để phục vụ nhu cầu trò chuyện. Khi đã thấu hiểu được thế mạnh mà chỉ khu vực quầy mới có, mình luôn nghĩ nhiều hơn về việc làm thế nào để khách hàng có thể có những cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất khi ngồi ở quầy của thương hiệu mình. Mình tin đó là một giá trị quan trọng không thể tách rời của chỗ ngồi này.
(3) Muốn hiểu hơn về thương hiệu, hãy ngồi tại quầy.
Và ý mình không chỉ là hiểu hơn về cách món ăn được tạo ra đâu. Để vẽ bức tranh về sự thấu hiểu này được dễ hiểu nhất, hãy để mình kể bạn nghe về một cuộc hội thoại mà chính mình cũng chỉ cũng là người nghe lại. Hai người bạn thân của mình đi ăn với nhau, và họ ngồi ở quầy (đây có vẻ là một tiêu chí chọn bạn trong vô thức của mình thì phải, vì phần lớn bạn bè thân của mình cũng rất thoải mái, nếu không muốn nói là yêu thích, chỗ ngồi có phần bị số đông hắt hủi này). Xen kẽ giữa những món ăn ngon là cảm giác khó chịu tới mức bí bức khi buộc lòng phải nghe cuộc hội thoại giữa những người nhân viên bếp với nhau. Có vẻ như ở nhà hàng đang có một cuộc “nội chiến” giữa 3 phe: người quản lý, nhân viên bếp và nhân viên phục vụ. Một cách tấn công được ưa chuộng trong buổi tối hôm ấy từ phe bếp là… không báo cho nhân viên phục vụ biết món nào đã hết. Nhân viên nhận order, sau đó lại phải quay về bàn xin lỗi khách và mời khách chọn món khác. Tại sao bạn mình lại biết ư? Vì chính mắt bạn mình chứng kiến tất cả: nhân viên phục vụ hỏi bếp rằng “Tại sao anh không báo em món hết?” và nhận về sự im lặng, nhân viên bếp cười hỉ hả với nhau rằng “Hết món không phải báo đâu, cho chúng nó chết”.
Những việc này nếu xảy ra trước mắt khách hàng, chắc chắn sẽ chỉ xảy ra ở nơi nhân viên thường tụ tập. Và còn nơi nào nhân viên thường tụ tập hơn ngoài khu vực quầy: nơi họ lấy món, trả order, tìm câu trả lời và đôi khi là xả stress (với một âm lượng thường đủ lớn cho cả những người khách hàng xung quanh) cho mọi trục trặc trong ca làm? Để hiểu về một thương hiệu một cách sâu sắc hơn là chỉ thông qua khía cạnh hương vị, hãy nhìn vào người nhân viên của họ. Bạn sẽ nhận được câu trả lời về cách vận hành, cách thương hiệu đối xử với nhân viên, cách nhân viên nhìn nhận giá trị của thương hiệu, và từ đó thấy rõ hơn phần nào câu chuyện phía sau những món ăn.
Tóm lại là, nếu bạn làm F&B hoặc chỉ đơn giản là đam mê với việc ăn uống, khu vực quầy chính là chỗ ngồi dành cho bạn – dành cho chúng ta. Mình hy vọng nếu bạn đã từng thử, thì lần tới ngồi quầy bạn sẽ chú tâm hơn về những gì mà chỗ ngồi này mang lại. Còn nếu bạn chưa từng thử, thì lần tiếp theo đi ăn bạn sẽ chọn ngồi ở quầy.
Quầy sẽ không làm bạn thất vọng đâu!
Nguồn ảnh: Pizza 4P's
تعليقات