Hay cụ thể hơn câu chuyện mình muốn nói tới hôm nay là, cộng đồng có vai trò như thế nào trong marketing?
Những ngày gần đây ngành của chúng ta rôm rả với chuỗi sự kiện mà ai cũng biết – đây có thể coi là một chuyện lạ, vì F&B tuy ngon miệng và ngon mắt nhưng thường không có quá nhiều sự quan tâm được dành cho các sự kiện trong ngành. Đây là khía cạnh mà chúng ta chưa thể nào bắt kịp được với ngành thời trang, nơi mà từng show trình diễn, từng sự kiện đều được tất cả mọi người trong và ngoài ngành săn đón. Thế nhưng mình có thể tự tin nói rằng chuyện ấy đang dần dần thay đổi.
Thông qua F&B Conference, chúng ta cùng nhau học hỏi, chia sẻ và tiến bộ trong một ngành mà xưa nay vốn được vận hành khá bản năng – ai biết việc người nấy, và nói chung tránh va chạm thì tốt hơn. Giờ đây chúng ta sẵn sàng ngồi xuống cùng nhau, thảo luận cùng nhau về những chủ đề đáng được quan tâm nhất trong ngành, và không ngại ngần chia sẻ thành công thất bại. Thông qua Bánh Mì Awards, chúng ta bàn tán với nhau về những thương hiệu được đề cử, hồi hộp đón chờ kết quả xuất hiện trên màn hình lớn, và có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử (hay chỉ là lần đầu tiên trong hành trình sự nghiệp của mình với F&B nhỉ?), những người làm chung ngành có một cái gì đó để cùng hào hứng trò chuyện với nhau mà không hề có chút ganh đua, đề phòng lẫn nhau. Những người khách hàng, người đứng ở vị trí thưởng thức cũng lần đầu được rộn ràng kêu gọi cho thương hiệu mình yêu thích. Mọi chuyện phát triển tự nhiên và mạnh mẽ từ những đề cử thú vị khiến mình liên tục liên tưởng tới Rap Việt mùa 1 – một sân chơi cởi mở và những người chơi thú vị sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng lớn mạnh và tạo ra sức lan toả không gì cản được. F&B Conference và Bánh Mì Awards của Vietcetera và Mastercard cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng rằng ngành F&B sẽ sớm bùng nổ trong tương lai, bởi cộng đồng dành riêng cho những người làm trong ngành bắt đầu được hình thành. Chuỗi sự kiện này là một ví dụ sáng loà về sự hình thành của một cộng đồng và độ “khát” cộng đồng của ngành F&B.
Bất cứ khi nào bạn nghĩ tới giai đoạn phát triển việc kinh doanh hay tầm ảnh hưởng của thương hiệu, mình tin rằng một trong những câu trả lời bạn sẽ luôn nhận được là “phải xây dựng cộng đồng”.
Tại sao cộng đồng lại có một vai trò đặc biệt đến vậy?
Không chỉ riêng gì F&B, mọi ngành, mọi nền công nghiệp, mọi lĩnh vực chuyên môn và cả mọi thần tượng âm nhạc đều cần có cộng đồng. Cộng đồng là sự tập hợp của những người cùng chia sẻ một (hoặc một vài) mối quan tâm chung. Cộng đồng quan trọng vì sự tập hợp này tạo ra những kết nối mới giữa người với người, và những kết nối này mang lại những giá trị không gì có thể thay thế được. Phải nói rõ rằng kết nối dù càng lúc càng dễ dàng tạo ra, nhưng cũng càng lúc càng khó khăn để trở nên sâu sắc. Khi có một điểm chung, con người dễ dàng kết nối sâu sắc với nhau và hình thành những mối-quan-hệ-thật hơn. Chình những mối quan hệ này tạo ra cảm giác về giá trị mạnh mẽ hơn, kết nối về cảm xúc dễ dàng hơn, khiến người ta có xu hướng gắn bó và có động lực cùng phát triển mạnh mẽ hơn. Kể cả những mâu thuẫn trong cộng đồng cũng mang lại giá trị tích cực – trong một chừng mực nhất định, những va chạm về quan điểm thúc đẩy sự học hỏi và giúp công việc phát triển tốt hơn. Cộng đồng giúp cho mối quan tâm chung càng được chú ý nhiều hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn và từ đó lại thu hút nhiều người tham gia hơn. Cộng đồng mang lại cảm giác thuộc về (belonging) và cảm giác tin tưởng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ bài viết IG hay review TikTok chân thực nào. Vậy nên thực tế mà nói khi nắm bắt được tính chất của một cộng đồng, việc bán hàng của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều lần. Thử nhìn vào ví dụ của Hội Ăn Gì hay group Yêu Bếp mà xem: một bài viết giới thiệu quán mới sẽ mang lại lượng khách hàng tò mò đến thử mạnh mẽ hơn cả shout-out của những khi có trong tay một cộng đồng đủ khăng khít và lớn mạnh, thì mọi hàng quán được nhắc tới, mọi cuộc thi được kêu gọi, mọi mối quan tâm của riêng nhóm bạn cũng sẽ dễ dàng trở thành mối quan tâm chung của thị trường những người quan tâm tới F&B.
Từ đó, chúng ta có “Ngành công nghiệp Cộng đồng”
Làm thế nào để tạo nên một cộng đồng? Vâng, ngành công nghiệp cộng đồng xin chào đón bạn. Ngành công nghiệp mới này hiện ra để giải quyết nhu cầu “sở hữu một cộng đồng” ngày càng mạnh của team marketing trong mọi công ty. Các lớp học xây dựng cộng đồng mọc lên như nấm. Các dịch vụ xây dựng cộng đồng (mà chủ yếu là mua bán các cộng đồng có sẵn) cũng đua nhau xuất hiện. Nhà hàng A phải sở hữu một cộng đồng Người yêu Sushi, còn quán cafe B thì miệt mài xây dựng Hội trao đổi cafe đặc sản với hi vọng rằng họ sẽ trở thành những Yêu Bếp, những Nghiện Nhà thứ 2 và từ đó sẽ được chốt đơn liên tục từ hàng trăm ngàn trong nhóm. Tư duy này sai lầm trên rất nhiều góc độ, thế nhưng trong khuôn khổ bài viết mình không tập trung phân tích về việc ấy hội. Hôm nay mình muốn nói kỹ hơn về các tính chất của một cộng đồng tích cực, và việc tại sao Ngành công nghiệp Cộng đồng hoàn toàn không phải là lối đi phù hợp cho người làm Marketing.
Phải nói rằng không phải nhóm đông người nào cũng là một cộng đồng, và cũng không phải tất cả những ai chia sẻ cùng một quan tâm thì cũng có nhu cầu tham gia vào một cộng đồng. Một cộng đồng tích cực, hay còn là tên gọi ngắn của một cộng đồng thực sự chất lượng, có sức sống, có khả năng tạo ra những giá trị thật, sẽ có những tính chất như thế nào?
Tính chất 1: Tương tác đa chiều
Đây là yếu tố giúp đánh giá tốt nhất tính chất của bất kỳ cộng đồng nào: bạn sẽ nhìn thấy những tương tác đa chiều diễn ra trong cộng đồng ấy, thay vì màn độc thoại của những người quản lý cộng đồng. Đây là yếu tố khiến mình ngưỡng mộ Yêu Bếp hơn bất kỳ cộng đồng có tính chất F&B nào khác trên thị trường, khi không chỉ riêng chị admin, mà mọi thành viên trong Yêu Bếp đều có những bài viết cực kỳ chất lượng với những công thức nấu nướng tại nhà ngon không thua kém gì đầu bếp chuyên nghiệp, nếu không muốn nói là còn xuất sắc hơn vì mọi người make-do với căn bếp gia đình của mình quá giỏi. Các nhánh nội dung của Yêu Bếp được phát triển vô cùng tự nhiên do cộng đồng tạo ra (như cải tạo bếp, cắm hoa, làm cỗ,…) chứ không hề dựa trên một “khung sườn” xây dựng cộng đồng nào. Vào Yêu Bếp mình vừa cảm thấy mình… không xứng đáng làm con gái, vừa cảm thấy được truyền động lực chia sẻ kinh khủng vì cảm thấy ở đây mình được chào đón, ở đây mọi người thực sự quan tâm tới việc nấu nướng và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ một cộng đồng thực thụ mới có những tương tác đa chiều tự nhiên và đặc sắc như vậy.
Tính chất 2: Cộng đồng với mục đích phục vụ cộng đồng
Đây là điểm thoái trào của phần lớn cộng đồng – khi chúng được sinh ra với mục đích phục vụ những người tham gia nhưng sau đó nhanh chóng biến mọi thành viên trong hội trở thành một sản phẩm, nơi mà số lượng thành viên sẽ quyết định giá quảng cáo mà admin bán được. Bạn có thể dễ dàng dựa vào tính
chất này để phân loại các cộng đồng, và xin một lần nữa ngả mũ thán phục Yêu Bếp. Rõ ràng là một cộng đồng có quảng cáo, có cuộc thi, có hoạt động thương mại, thế nhưng tỉ trọng nội dung thuần-chia-sẻ, có tính phục vụ cộng đồng cao vẫn áp đảo, đảm bảo duy trì mục đích phục vụ người tham gia của cộng đồng. Một cộng đồng chỉ có thể tiếp tục phát triển khi mục đích của nó là phục vụ cộng đồng. Một cộng đồng nặng tính thương mại sẽ nhanh chóng thoái trào, và điều này có thể quan sát rõ ràng dựa trên chất lượng thảo luận, comment, hay số lượng bài đăng mới trong nhóm. Phần đông mọi người sẽ không rời khỏi group, thế nhưng group vẫn như một “cái xác không hồn” với tràn ngập các bài kêu gọi tham gia cuộc thi và bán hàng, còn những bài thực sự đáng được chia sẻ thì ngày một ít.
Tính chất 3: Con người thương hiệu của cộng đồng rõ nét
Cộng đồng càng tồn tại lâu, thì yếu tố này càng quan trọng. Cộng đồng có thể được hình thành dựa trên một mối bận tâm chung, thế nhưng theo thời gian, mối bận tâm ấy cũng cần được đặt vào hình hài một con người – được nhân cách hoá – đủ cụ thể để người tham gia phân biệt họ với những cộng đồng khác tương tự. Cùng với chủ đề F&B, có thể thấy cộng đồng dành cho người ăn thì phát triển lớn mạnh (với Hội Ăn Gì), còn cộng đồng dành cho người kinh doanh F&B lại chưa nhiều. Điều này không quá khó hiểu. Mối bận tâm của người tiêu thụ và người kinh doanh hoàn toàn khác nhau, và để một người vừa kinh doanh, vừa dành thời gian tập trung xây dựng một cộng đồng vô tư (thoả mãn tính chất 2) quả thực là một đòi hỏi có phần phi lý. Rồi giả sử như có một nhân vật anh hùng như vậy đi, thì con người thương hiệu của cộng đồng ấy nên như thế nào? Có nhiều hơn một phương án lựa chọn, thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng trong một thị trường vốn đã có nhiều dè dặt và cạnh tranh như F&B, việc xây dựng một cộng đồng vô tư chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau cần nhiều cố gắng từ tất cả các bên. Điều ấy cũng giải thích tại sao việc một trang tin như Vietcetera lại là nhân vật hoàn hảo để ra mặt xây dựng một cộng đồng, và khi điều ấy xảy ra thì mình lại vui mừng tới vậy. Một trang tin có đầy đủ thời gian, nguồn lực và lý do để xây dựng một cộng đồng tích cực nhất, đồng thời sự quan tâm nồng nhiệt mà những sự kiện F&B vừa rồi nhận được cũng khẳng định rằng người kinh doanh F&B đã thực sự sẵn sàng để bước vào những sân chơi chung và cùng nhau tiến bộ.
“Nước lên, thuyền lên.”
Vậy cuối cùng, liệu Ngành công nghiệp Cộng đồng có thể tạo dựng được cho bạn một cộng đồng tích cực với đủ 3 tính chất trên không? Thực lòng mình nghĩ là khó. Cộng đồng không chỉ cần công sức, mà còn cần cả thời gian. Những cộng đồng bùng nổ trong một khoảng thời gian ngắn thường dựa nhiều vào 2 yếu tố, may mắn/ tính thời điểm hoặc chín ép, cả 2 đều không khẳng định được sự phát triển bền vững của cộng đồng trong tương lai mà chỉ đảm bảo được nguồn lợi thu nhập cho một vài cá nhân đứng mũi chịu sào. Để thực sự xây dựng một cộng đồng tích cực, mình nghĩ không ai ngoài bạn, người thực sự đang tìm kiếm một cộng đồng, có thể làm được. Đấy sẽ là cộng đồng của riêng bạn, phản ánh đúng con người thương hiệu mà bạn hướng tới. Đấy sẽ là cộng đồng “giàu có” nhất, với giá trị kết nối và giá trị tinh thần luôn tăng dần theo thời gian cho cả bạn và những người tham gia. Và với cá nhân mình, đấy cũng là cộng đồng nên được tạo ra nhất, nơi khách hàng không bị biến thành sản phẩm mà giống những người khách đặc-biệt hơn – nơi họ được tiếp cận sớm nhất với những thông tin được chọn lọc nhất, có ích nhất cho đam mê của họ, và cùng nhau đi lên.
Nguồn ảnh: Vietcetera, Yêu Bếp (FB group)
Comments